Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015


Cách dạy trẻ học toán lớp 2 kích thích tư duy sáng tạo


Các bậc phụ huynh cần có cách dạy con toán lớp 2 phù hợp để giúp bé học tốt, không lạc vào con đường học vẹt, học máy móc, học nông cạn, không có sự tuy duy,….




Để dạy con học tốt toán lớp 2, mẹ cần hiểu tại sao con không thích học, học không hiệu quả. Ảnh minh họa


Lớp 2 là lớp các con được làm quen với những phép tính đơn giản, cách giải toán khơi dậy khả năng tư duy sáng tạo. Vì vậy, để giúp con học toán lớp 2 tốt, không lạc vào con đường học vẹt, học máy móc, học nông cạn, không có sự tuy duy,…các mẹ cần luôn bên cạnh, kèm cặp con để giúp con nhận thức đúng đắn tình huống, gợi ý những phương pháp giải toán hay và khoa học.


Tìm nguyên nhân con học không tốt toán lớp 2

Toán lớp 2 khá đa dạng và phong phú về nội dung, có thể xem là khá nặng đối với lứa tuổi này, đặc biệt là dạng toán có lời văn, toán đố. Việc giúp bé trình bày lời giải khó khăn hơn rất nhiều việc hướng dẫn bé tìm ra đáp số cho bài toán.

Có nhiều bé do thấy đề bài dài nên nghĩ đó một vấn đề khó, không đọc kỹ đề bài, không suy luận và nắm được các dữ kiện dẫn tới làm sai, làm ẩu, hay cũng có những bé do mất gốc căn bản về các phép toán, không hiểu các thuật ngữ như: "gấp bao nhiêu lần" hay "kém hơn" hay "it hơn" hay "nhiều hơn" dẫn tới nhầm lẫn, khó khăn khi giải bài tập.

Lâu dần, những bài toán khó, những lần làm sai có thể vô tình khiến các con nảy sinh tâm lý chán nản và chán học. Lúc này, các mẹ và cô giáo cần động viên, khích lệ tinh thần cho trẻ và rèn luyện để trẻ làm tốt hơn trong những lần sau. Khi làm được rồi bé sẽ thấy tự tin và phấn khích, có động lực học tập hơn.

Một số cách dạy con học toán lớp 2 hiệu quả:

Rèn cho trẻ kỹ năng đọc và hiểu yêu cầu của đề




Cách dạy con học toán lớp 2 hiệu quả nhất là rèn cho bé khả năng đọc - hiểu đề bài. Ảnh minh họa

Các mẹ có thể cùng đọc với trẻ, cùng thảo luận với trẻ. Hướng dẫn trẻ đọc thật chậm, thật kỹ đề bài, nhớ được các dữ kiện đề bài cho và bạn có thể kiểm tra trẻ bằng việc hỏi các dữ kiện đề bài.

Dạy trẻ phân tích đề bài và loại bỏ những dữ kiện bài toán không cần thiết
Dạy trẻ biết bỏ đi các dữ kiện bài toán không cần thiết chỉ để lại những dữ kiện quan trọng. Đồng thời các mẹ có thể tóm tắt bài toán bằng cách vẽ sơ đồ cho trẻ xem theo mô hình giải thiết- kết luận, hoặc hướng dẫn trẻ để trẻ tự làm

Phụ huynh cũng cần thường xuyên hỏi trẻ xem đã hiểu chưa, nếu chưa thì chị kiên trì giảng lại từ đầu và bù đắp những phần trẻ còn kém.

Nên cố gắng giành thời gian dạy trẻ hàng ngày để theo đúng những gì cô giáo dạy trẻ trên lớp, tránh tình trạng "trên lớp một kiểu về nhà một kiểu" trẻ sẽ rất khó tiếp thu.

Dạy trẻ chọn phép tính đúng , bước giải đúng để tìm kết quả
Phải chỉ cho trẻ liên hệ được những dữ kiện đã có (bước 1) với yêu cầu của bài toán (bước 2) để tìm đủ dữ kiện giải bài toán. Mẹ không nên bắt trẻ tìm ra đáp số đúng mà chỉ cần hướng dẫn trẻ cách giải để đi đến kết quả.

Dạy trẻ cách trình bày lời giải một cách đơn giản nhất


Cách dạy con học toán lớp 2 đúng đắn là giúp con trình bày bài sạch đẹp, dễ hiểu. Ảnh minh họa

Với việc giải một bài toán đố có lời giải, mẹ cần hướng dẫn trẻ cả cách trình bày, nhiều khi tưởng chừng như không quan trọng nhưng lại rất quan trọng. Bởi trình bày sáng sủa, rõ ràng khiến trẻ dễ dàng nhìn ra được cách làm và các bước tiếp theo của bài toán.

Dạy trẻ cách kiểm tra đáp số và kiểm tra lại bài.

Đây là điều quan trọng để rèn cho trẻ tính cẩn thận và tính chính xác.

Dạy trẻ theo từng dạng bài

Trong chương trình toán lớp 2 có hai nội dung quan trọng là: Phép cộng, trừ có nhớ trong phạm vi 100 và phép nhân và phép chia với các số 2, 3, 4, 5.

Với các dạng bài có liên quan tới phép cộng và phép trừ có nhớ trong phạm vi một trăm, mẹ cần lưu ý rèn cho trẻ thành thạo các phép cộng có tổng trong khoảng từ 11 tới 18 và các phép trừ trong phạm vi 20. Đây là cơ sở để trẻ có thể thực hiện được phép trừ có nhớ trong phạm vi 100.

Với các dạng bài toán có liên quan tới phép nhân, mẹ phải làm cho trẻ hiểu được bản chất của phép nhân là tổng của nhiều số giống nhau, phân tích ý nghĩa của các thừa số.


Sưu tầm


Kỹ năng tư duy sáng tạo



Có thể không quá lời khi nói rằng, nếu không có tư duy sáng tạo thì không thể có một xã hội phát triển như ngày nay. Chính nhờ có sáng tạo mà con người qua từng thời đại chế tạo ra biết bao nhiêu thiết bị để “nối dài” khả năng của con người. Kính viễn vọng chính là sự nối dài của đôi mắt, cần cẩu là sự nối dài của đôi tay và máy bay là sự nối dài của đôi chân…

Có thể không quá lời khi nói rằng, nếu không có tư duy sáng tạo thì không thể có một xã hội phát triển như ngày nay. Chính nhờ có sáng tạo mà con người qua từng thời đại chế tạo ra biết bao nhiêu thiết bị để “nối dài” khả năng của con người. Kính viễn vọng chính là sự nối dài của đôi mắt, cần cẩu là sự nối dài của đôi tay và máy bay là sự nối dài của đôi chân…

Trong công việc cũng vậy, nếu không có tư duy sáng tạo thì con người không thể giải quyết được những vấn đề nan giải đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá và hoàn toàn mới lạ. Đối với các bạn trẻ, tư duy sáng tạo là một phẩm chất năng động cũng như sức sống của tuổi trẻ, khẳng định được vị thế của mình trong thời đại mới và góp phần xây dựng xã hội ngày một phát triển hơn. Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải trả lời được câu hỏi “Tư duy sáng tạo là gì? Làm sao rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo?”





Truy tìm khái niệm

Theo các nhà tâm lý học thì hoạt động sáng tạo được xem là dạng hoạt động cao nhất của con người. Năng lực sáng tạo là cốt lõi của hoạt động sáng tạo, làm tiền đề bên trong của hoạt động sáng tạo, nó được xác định từ chất lượng đặc biệt của các quá trình tâm lý mà trước hết là quá trình trí nhớ, tư duy, xúc cảm, ý chí,…

Tư duy sáng tạo là kiểu giải quyết vấn đề dựa trên sự động não tối đa nhằm tạo điều kiện tìm ra phương án tối ưu dựa trên những phương án được nêu ra. Điều này thoạt đầu nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra là cả một quá trình rất phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của hoạt động trí óc.

Trước một vấn đề nan giải, khi tất cả các phương án cũ đều không thể giải quyết được, con người buộc phải tìm ra càng nhiều giải pháp càng tốt, sau đó sàng lọc và chọn ra giải pháp hay nhất trong số những giải pháp đã đưa ra. Tuy nhiên, con đường và quá trình tìm ra những giải pháp mới không hề đơn giản, đó là cả một quá trình “vật lộn” của trí não cho đến lúc cảm thấy “lóe sáng” để rồi mừng rỡ kêu lên “Eureka” giống như Ascimet ngày xưa. Nhưng muốn đạt đến tầng bậc ấy thì nhất thiết phải tạo ra những điều kiện thuận lợi cần thiết để giúp quá trình tư duy sáng tạo được thăng hoa.

Điều kiện để sáng tạo
Điều kiện để quá trình sáng tạo trở thành hiện thực không phải chỉ là một điều kiện đơn độc mà đó là sự tổng hợp nhiều điều kiện. Có thể kể đến một số điều kiện sau:

+ Có nhu cầu khám phá và đặt vấn đề
+ Có sự tự tin nội tại
+ Có ý chí và sự nỗ lực
+ Biết hoài nghi và không vâng lời
+ Biết loại bỏ những suy nghĩ “thói quen”
+ Biết vận dụng những kỹ thuật tư duy sáng tạo

Có rất nhiều cách để có thể tư duy sáng tạo, sau đây là một số cách thường dùng như công não, quy nạp, diễn dịch

Công não

Công não là thủ thuật kích thích con người khai thác tối đa những ý tưởng khi não bị tập kích liên tục bằng cách:
+ Từng vấn đề
+ Lấy ý kiến, ý tưởng
+ Xây dựng mạng
+ Phân tích lựa chọn
+ Quyết định lựa chọn

Quy nạp
Quy nạp là việc đi từ những sự việc riêng lẻ để đi đến một cái chung, một kết luận khái quát. Phương pháp tư duy quy nạp là phương pháp đi từ cái cá biệt đến cái chung nhất, từ nhiều biểu hiện lặp lại để khái quát thành một kết luận.

Diễn dịch

Diễn dịch là sự vận động của nhận thức từ cái chung đến cái riêng, từ tổng thể đến bộ phận. Phép diễn dịch là phép suy luận lấy việc lớn để suy việc nhỏ, lấy cái chung để suy cái riêng, lấy cái bản chất, cái quy luật để gắn cho cái biểu hiện, cái chi tiết. Phương pháp diễn dịch là phương pháp tư duy đi từ tiền đề tri thức chung suy ra kết luận tri thức đặc thù.

Tư duy sáng tạo là một kỹ năng cực kỳ quan trọng với mỗi người chúng ta trong cuộc sống vì chính nó sẽ đáp ứng những thách thức luôn xảy ra. Tư duy sáng tạo là thanh công cụ cực kỳ quan trọng để mỗi người dù ở vị trí nào, đẳng cấp nào cũng có thể vượt qua lối mòn trong suy nghĩ, hành động để hướng đến những giải pháp mới mẻ. Đó không chỉ là yêu cầu của cuộc sống mà còn là những phương pháp để bạn chinh phục những khó khăn của cuộc đời.


Sưu tầm

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015


Phương pháp giải quyết vấn đề sáng tạo




Kỹ năng giải quyết vấn đề là một kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nó giúp bạn nhìn nhận, phân tích, đánh giá để đưa ra một chọn lựa và xác định giải pháp nào là tốt nhất. Thế nhưng, để đạt được thành công trong cuộc sống, bạn cần có tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề nhanh gọn và hiệu quả nhất.

Để giải quyết được vấn đề thấu đáo, trước tiên, bạn phải tìm hiểu xem, vấn đề ở đây là gì. Hãy mô tả vấn đề đó thật cụ thể để mọi người có thể hiểu và đóng góp các giải pháp sáng tạo cho bạn. Bài viết chia sẻ mộtgiải pháp sáng tạo với kỹ thuật đơn giản: đó là mô tả lại các vấn đề.

Markman, nhà tâm lý học nhận thức và tác giả cuốn “Tư duy thông minh” cho rằng: “Toàn bộ ý tưởng đằng sau việc giải quyết vấn đề sáng tạo là bạn giả định, bạn biết cái gì đó sẽ giúp giải quyết vấn đề này, nhưng bạn không nghĩ về nó ngay bây giờ. Nói một cách khác, bộ nhớ của bạn không thể lấy các thông tin bạn cần.”

Thay đổi cách mô tả vấn đề giúp bạn nhận ra, bạn đang ở trong một tình huống khác nhau, và cho phép bạn nhớ lại và thu thập thông tin từ bộ nhớ dễ dàng hơn. “Khi bạn cố gắng mô tả vấn đề ở những khía cạnh khác nhau, điều đó có nghĩa là bạn đang rà soát lại các thông tin liên quan tới vấn đề đó.”

Hãy tự hỏi mình hai câu hỏi:
1. Vấn đề thuộc loại nào?

Hầu hết thời gian, chúng tôi gặp khó khăn khi mô tả vấn đề bởi vì chúng tôi tập trung phạm vi quá hẹp. Khi bạn suy nghĩ thật cụ thể về vấn đề đó, bạn đang giới hạn bộ nhớ và bóp nghẹt sự sáng tạo. Thay vào đó, bạn hãy suy nghĩ trừu tượng hơn và tìm được đúng bản chất của vấn đề.

2. Những ai đã từng đối mặt với vấn đề kiểu này?

Khi bạn nghĩ về vấn đề của bạn trừu tượng, bạn nhận ra rằng những người khác đã giải quyết được cùng một loại vấn đề theo những cách hoàn toàn khác nhau. Một trong những giải pháp của họ có thể phù hợp với tình huống của bạn.
“Khi bạn bắt đầu nhận ra rằng vấn đề bạn đang gặp phải đã được giải quyết tốt hơn nhờ người ở các khu vực khác, bạn có thể xem xét các giải pháp mà họ đã đưa ra để giúp bạn giải quyết vấn đề của riêng bạn,” Markman nói.

Bạn không phải áp dụng một trong những giải pháp của họ một cách chính xác, nhưng bạn hãy giải phóng bộ nhớ của bạn để lấy thêm thông tin, làm cho nó khó tiếp cận và lấy thông tin. Điều này buộc bạn phải động não suy nghĩ.

Bằng cách mô tả lại vấn đề, bạn có rất nhiều khả năng tìm thấy nguồn cảm hứng cho một sự đổi mới thực sự sáng tạo.Hãy áp dụng nó bắt đầu từ những vấn đề đơn giản đến phức tạp.

Đừng tự giới hạn phạm vi suy nghĩ của mình để có thể suy nghĩ trừu tượng hơn để phát hiện ra những giải pháp thú vị và hay hơn. Đồng thời, bạn hãy giải phóng bộ nhớ của bạn, thoát khỏi những thông tin đã quá cũ kỹ, không được cập nhật thường xuyên. Tham khảo cách thức giải quyết vấn đề của những người khác cũng là cách để học hỏi và phát huy tính sáng tạo của bạn hơn nữa!


Sưu tầm

Bảy phương thức khơi dậy sự sáng tạo và tận tụy với công việc



Nếu bạn hỏi 10 nhân viên rằng công ty có tạo cơ hội cho họ phát triển bản thân và năng lực của họ có được đánh giá đúng mức không? Chắc chắn sẽ có ít nhất bốn người trả lời là “không”.

Nếu bạn hỏi 10 nhân viên rằng công ty có tạo cơ hội cho họ phát triển bản thân và năng lực của họ có được đánh giá đúng mức không? Chắc chắn sẽ có ít nhất bốn người trả lời là “không”.

Tại sao vậy?

Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới gặp nhiều biến động và đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, khiến cho nhiều công ty quan tâm đến vấn đề làm thế nào để tạo ra động lực khuyến khích sự sáng tạo và tận tụy với công việc của nhân viên. Một số công ty đã tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Nhưng việc này cũng trở thành một gánh nặng và đồng nghĩa với việc cắt giảm một số các chi phí khác, ví dụ như từ quỹ lương mà đáng lý ra để tăng lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, sự hạn chế trong phát triển và tăng trưởng của các công ty cũng giảm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của các nhân viên. Và những ảo tưởng trở thành các nhà quản lý của họ bị vỡ mộng vì những báo cáo liên tiếp về tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan ở nhiều công ty hàng đầu trên thế giới. Đó chính là nguyên nhân khiến họ cảm thấy thất vọng, cảm thấy mình chưa được đánh giá đúng mức và chưa được trả lương tương xứng với công sức đã bỏ ra.

Làm thế nào để tạo ra động lực khuyến khích nhân viên làm việc năng động và tích cực?

Ngày nay, việc tạo ra động lực khuyến khích nhân viên làm việc đang trở thành một vấn đề quan trọng nên nhiều nhà lãnh đạo đã tìm về với những tiêu chuẩn và phương pháp cơ bản lâu nay đã bị lãng quên. Đó là bảy phương pháp sau:

1. Tích cực tạo ra những cơ hội đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên của bạn:

Nhân viên dưới quyền bạn sẽ có động lực làm việc khi biết rằng họ sẽ có cơ hội được đào tạo và phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chậm tăng trưởng, việc đầu tiên mà các công ty thường làm là cắt giảm ngân sách dành cho đào tạo. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chỉ một nửa số nhân viên đang làm việc trong các công ty cảm thấy họ có cơ hội học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới cho công việc của mình.

2. Tạo ra sự liên kết hiệu quả giữa tiền thưởng với kết quả công việc:
Chỉ có khoảng ba trong số mười nhân viên cảm thấy công ty mình đang áp dụng và thực hiện thành công việc liên kết tiền thưởng với kết quả họ đạt được trong công việc.


Một sinh viên đang học năm thứ nhất tại một trường đại học, trong kỳ nghỉ hè, anh ta đi làm thêm tại một cửa hàng bán lẻ. Đó là công việc đầu tiên thực sự trong cuộc đời của anh ta. Giống như những gì anh ta được học tại trường, công ty này đã áp dụng chế độ khuyến khích nhân viên ký kết càng nhiều hợp đồng với khách hàng sẽ càng kiếm được nhiều tiền. Mỗi khi anh ta thuyết phục thành công một khách hàng ký kết hợp đồng mua hàng với công ty, anh ta sẽ nhận được 5 đô. Và đối một số sản phẩm đặc biệt, số tiền anh ta nhận được cho mỗi một hợp đồng được ký kết lên tới 10 đô.


Trở về nhà, anh ta đã kể với bố mình bằng một tâm trạng rất hào hứng rằng: “Bố ạ, những động cơ này đã thực sự khiến cho con tích cực làm việc. Tại trường, con đã được học các động cơ là một trong mười nguyên tắc kinh tế có tính chất chỉ dẫn, nhưng bây giờ con mới thực sự tận mắt chứng kiến và nhận ra tác dụng của nó.”. Anh ta còn nói thêm rằng: “Mỗi buổi sáng khi con thức dậy, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là làm thế nào để có thể tạo ra được nhiều hợp đồng bán hàng”.

3. Thiết lập rõ ràng các yêu cầu về công việc.

Một trong những lý do khiến nhân viên của bạn không tin rằng có sự gắn kết chặt chẽ giữa tiền lương mà họ được trả với công việc mà họ thực hiện, bởi vì họ không bao giờ được biết một cách chính xác những yêu cầu của bạn. Và như vậy họ sẽ không biết cần phải làm gì để được đánh giá là một người làm tốt công việc.

Trong khi đó, những nhà quản lý lại có những suy nghĩ ngược lại rằng nhân viên phải biết cách thực thi công việc thế nào là tốt và thế nào là không tốt. Nên biết rằng, nếu bạn không đưa ra được các tiêu chí để đánh giá sự thành công trong công việc, cũng như tiêu chuẩn để phân loại kết quả làm việc của nhân viên theo các cấp độ từ thấp đến cao một cách rõ ràng và rành mạch, nhân viên của bạn sẽ không có động lực hoàn thành tốt công việc.

4. Tạo cho nhân viên cơ hội được thể hiện và tận dụng hết khả năng và năng lực của họ.

Một phần ba số nhân viên không cảm nhận thấy họ đã được sử dụng hết những khả năng và năng lực mà họ có. Cảm giác được sử dụng hết những kỹ năng có giá trị và năng lực làm việc rất có ý nghĩa đối với các nhân viên. Nếu không có cảm giác đó, họ sẽ nhanh chóng mất đi những hứng thú đối với công việc.

Để tận dụng tối đa những khả năng của mọi người, bạn hãy hỏi xem họ thích làm việc gì, sau đó tạo cơ hội cho họ thể hiện và áp dụng các khả năng mà họ có.

5. Trao gửi niềm tin đối với nhân viên của bạn.

Một phần ba số nhân viên không cảm thấy họ có quyền đưa ra các quyết định mà họ cho là cần thiết để làm tốt công việc của mình. Bạn thử đặt mình vào vị trí của nhân viên và tự hỏi: Khi sếp giao cho bạn một công việc kèm theo là sự tin tưởng tuyệt đối bạn sẽ làm tốt, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tin chắc là bạn cũng tin rằng bạn sẽ hoàn thành không những tốt mà là rất tốt công việc đó. Vì sao vậy? Đó chính là sức mạnh của sự tin tưởng.




Để làm giàu có và phong phú công việc, hãy tạo ra những thách thức, cho nhân viên quyền tự chủ, phát triển năng lực cá nhân và nhiều cơ hội để nói về cách thực thi công việc của họ.

Giao quyền và trách nhiệm cho nhân viên là một cách thức quản lý rất hiệu quả và đang là một xu hướng mới trong việc lãnh đạo các doanh nghiệp hiện nay.

6. Giúp cho nhân viên tin tưởng rằng họ là những người luôn luôn chiến thắng.

Có những đội ngũ nhân viên có truyền thống luôn thành công, trong khi có những bộ phận khác lại hay vấp phải những thất bại? Bạn nên nhớ rằng, thành công là một trong những động lực rất quan trọng khiến cho nhân viên của bạn làm việc tích cực và hăng hái. Thông thường, thành công lại làm nảy sinh ra nhiều thành công liên tiếp sau đó. Và những nhân viên của bạn, chắc chắn chỉ muốn là thành viên trong những bộ phận luôn gặt hái được nhiều thành công.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà lãnh đạo lại thường nói về những thất bại nhiều hơn là thành công. Bạn nên chia sẻ những thông tin tốt lành và cám ơn nhân viên về những đóng góp của họ đối với sự thành công của công ty.

7. Hãy giúp nhân viên của bạn nhận ra một điều: cảm giác được làm việc quan trọng và hữu ích hơn rất nhiều so với cảm giác chỉ đơn thuần là có một công việc để làm.
Có ba người lái xe cần tìm việc làm. Nhà tuyển dụng đã đưa họ đến trước một chiếc ô-tô tải sắp chuyển động, có chất một số thùng hàng trên xe. Người đầu tiên được hỏi: “Thử đoán xem bạn sẽ làm gì và đi đâu với chiếc ô-tô tải này?”. Anh ta trả lời ngay rằng: “Tôi không quan tâm đến việc tôi sẽ làm gì và đi đâu. Tôi chỉ biết là tôi cần có một công việc, và thời gian của tôi được dùng để làm công việc này”. Anh ta còn nói thêm: “Thời gian của tôi được tính bằng tiền. Nếu tôi làm việc càng nhiều, số tiền tôi kiếm được sẽ càng lớn”.

Người thứ hai cũng được hỏi câu hỏi tương tự như vậy, và anh ta trả lời rằng: “Tôi nghĩ tôi sẽ chuyển những thùng hàng trên xe tải đến một ngôi nhà nào đó”.

Còn người thứ ba đã trả lời thế này: “Những gì mà tôi sẽ làm có thể sẽ rất quan trọng và có ý nghĩa với ai đó. Có thể, tôi sẽ giúp đỡ một gia đình trẻ nào đó bắt đầu một cuộc sống mới tại đây, trên vùng biển đông này”.

Nếu bạn là nhà tuyển dụng, trong ba người đó, bạn sẽ nhận ai vào làm việc?
Nếu muốn nhân viên của bạn thực sự có động cơ làm việc tích cực, bạn nên giúp họ hiểu sâu sắc hơn về những gì liên quan đến công việc của họ, cho họ hiểu chính họ đang thực hiện những chức năng rất quan trọng đối với khách hàng.
***
Lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của những con người bình thường để đạt được những kết quả phi thường. Có thế mới biết để trở thành một nhà lãnh đạo không hề dễ dàng. Tuy nhiên, rất may là bên cạnh một phần rất nhỏ của yếu tố bẩm sinh, nghệ thuật lãnh đạo hoàn toàn có thể học được. Và 7 phương pháp trên là các bài học mà nhiều nhà lãnh đạo tài năng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới đã học và áp dụng thành công.

Sưu tầm


Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015


Người Nhật dạy con thông minh như thế nào ? (4 – 5 tuổi)

Khi bé chuyển sang giai đoạn 4 tuổi, điều quan trọng nhất trong cách dạy con của người Nhật đó chính là sáng tạo. Trẻ 4 tuổi ở Nhật được khuyến khích sáng tạo mọi lúc, mọi nơi và với bất kỳ sự việc nào trong cuộc sống. Đây chính là điểm trọng tâm nhất bởi ở tuổi này, bé đã phát triển não bộ đến giai đoạn không chỉ dừng lại ở khám phá những sự vật, hiện tượng xung quanh bằng những giác quan thông thường nữa, mà đã biết suy nghĩ và tìm tòi nhiều hơn. Sáng tạo đòi hỏi bé phải động não và tư duy nhiều hơn, thay vì chỉ học cách ghi nhớ và làm theo những gì người lớn dạy như trẻ 2 tuổi hay 3 tuổi. Chính vì đòi hỏi sự giáo dục về tư duy nhiều hơn, sáng tạo hơn nên người Nhật cũng có những phương pháp giáo dục đặc biệt cho con mình khi bé lên 4.
Tư duy sáng tạo rất cần trong xã hội hiện nay


Là bố mẹ thì ai cũng mong con mình thông minh, sáng tạo, tương lai trở thành những người có ích, thành đạt trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, nếu như không có những phương pháp giáo dục đúng đắn sẽ làm cho trẻ phát triển lệch lạc rồi thì sau này rất khó hoặc không thể sửa chữa hoặc thay đổi được. Nếu cứ duy trì sự giáo dục như hiện nay thì sẽ không thể có được những em bé ưu tú. Theo lời tiến sĩ Jou­ji.W.Bea­tle của trường đại học Chica­go , người đã từng đoạt giải No­bel đã nói “Thể chế giáo dục hiện nay đang làm mất đi cơ hội phát triển của trẻ nhỏ. Là bởi vì chúng sống trong thời đại thiếu tình thương. Khả năng học tập của trẻ sút kém. Người lớn không có tai nghe lời con trẻ. Đấy là những điểm phải sửa đổi”. Để làm được điều đó, trước tiên, chính bố mẹ – những bậc phụ huynh trong xã hội hiện đại này phải hiểu được điều gì là đúng đắn, điều gì là cách dạy con tốt nhất để trẻ phát triển hoàn thiện tư duy và trí não để đạt được thành công sau này.



Cách dạy con của người Nhật chú trọng sáng tạo từ khi 4 tuổi

Trên thế giới, người Nhật đã làm điều này rất tốt và họ đã phát triển trí thông minh cùng sự sáng tạo của những đứa trẻ giai đoạn sau 4 tuổi một cách tuyệt vời. Đất nước Nhật Bản ngày càng phát triển một cách vượt bậc và những đứa trẻ Nhật luôn có những cách suy nghĩ, tính toán cực kì thông minh và đáng nể. Chúng ta, những ông bố bà mẹ của thời đại phát triển này, nên học theo họ để theo kịp những gì hiện đại và tốt nhất dành cho trẻ con của xu hướng mới hiện nay. Nếu muốn dạy trẻ thành những con người có đầu óc và khả năng sáng tạo, thì chính chúng ta phải hiểu được óc sáng tạo và khả năng sáng tạo của trẻ là như thế nào.

Tính sáng tạo, năng lực sáng tạo có được ở một con người là khả năng không hoàn toàn do bẩm sinh ở một đứa trẻ, nó chính là từ khi biết nhận thức và suy nghĩ, trẻ sẽ có những suy nghĩ mới mẻ ưu việt hơn so với những gì được chỉ bảo, được “bày sẵn” và dập khuôn vào trong trí não của trẻ. Sáng tạo làm cho mọi thứ được tốt hơn và phát huy những tác dụng không bao giờ có điểm dừng của bất kì một hiện tượng nào trong thế giới của trẻ. Đây là một tố chất đặc biệt mà mỗi đứa trẻ đều nên có được và đó là điều cơ bản quyết định một đứa trẻ có thực hiện được các công việc một cách tốt nhất không. Tuy nhiên, có một điều lưu ý rằng tính sáng tạo không nhất thiết liên quan đến chỉ số thông minh cao. Bởi thông minh chưa chắc đã đưa ra được những câu hỏi hay những lời giải đáp mà trước nay không ai nghĩ đến và có suy nghĩ khác. Vậy, dạy trẻ thành người có óc sáng tạo có khó không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu xem cách dạy con sáng tạo của người Nhật như thế nào để tự đánh giá về điều này nhé.

Bản thân trẻ 4 tuổi đã tiềm ẩn sức sáng tạo lớn


Trẻ 4 tuổi đã có thể biết tư duy và suy nghĩ một cách sáng tạo chứ không ghi nhớ như khi 2, 3 tuổi

Nhiều người không biết rằng trẻ em sinh ra đã có sẵn tính sáng tạo ưu việt trong bản thân não bộ của mỗi đứa trẻ. Sự sáng tạo bước đầu của trẻ sơ sinh thể hiện từ khi mới lọt lòng trẻ đã bắt đầu ngay với những việc mà chưa từng được nhìn thấy hay dạy trước đó như biết tìm vú mẹ để bú sữa, nuốt hay khóc ngay khi vừa chào đời. Những hành vi mang tính sáng tạo này đứa trẻ nào cũng có từ bẩm sinh và phát triển dần qua năm tháng đến những lứa tuổi lớn hơn như cầm nắm vật, học đi, học nhai, học nói. Đó đều là những hành động sáng tạo bắt đầu bằng các giác quan của trẻ.

Đến tuổi lên 4, trẻ bắt đầu sáng tạo nhiều hơn nữa về cả thể chất và trí tuệ, nhưng ở tuổi này, trí não của trẻ phát triển rất tốt nên bố mẹ nên tập trung khuyến khích phát triển sáng tạo về trí tuệ và suy nghĩ của trẻ. Muốn làm được điều đó, đừng áp đặt quá nhiều những tiêu chuẩn trở thành sai lầm lớn của nhiều bà mẹ khi dạy con như là biết nghe lời răm rắp theo ý của bố mẹ, người lớn tuổi hơn, không tranh cãi, không được vượt qua những tiêu chuẩn được định trước. Chính điều này đã kìm hãm sự sáng tạo bẩm sinh mà vốn sẽ phát triển rất tốt nếu bố mẹ biết cách gợi mở và khuyến khích trẻ. Nếu đang ở trong trường hợp trên, hãy thoải mái hơn trong việc thay đổi những suy nghĩ của chính mình về việc dạy con thông minh, theo như thuyết E.P.Trans đã nói “Có sự khác nhau rất lớn trong quan niệm thế nào là đứa trẻ lí tưởng với đứa trẻ có tính sáng tạo. Các bậc cha mẹ nên biết trước điều này để tránh đồng hóa 2 khái niệm đó với nhau”.


Sưu tầm

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Người Nhật dạy con thông minh như thế nào ? ( 0 – 3 tháng tuổi)



Người Nhật vốn nổi tiếng là giáo dục con cái theo đúng nề nếp, truyền thống, coi trọng chất xám, nếu ở Việt Nam giai đoạn trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi mọi hình thức giáo dục vẫn ở mức sơ khai, không có định hướng, thậm chí còn xuề xòa coi nhẹ thì ở Nhật với độ tuổi này, họ đã có những kế hoạch phát triển cho trẻ một cách toàn diện. Chính vì sự bài bản và hiệu quả đó mà dần dần không ít những ông bố , bà mẹ Việt đã bắt đầu quan tâm hơn đến cách dạy con kiểu Nhật ra sao rồi. Vậy các bạn hãy cũng chúng tôi khám phá họ làm thế nào nhé !

Cách dạy con của người Nhật ở giai đoạn trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi là thời điểm trẻ có thể tiếp thu mạnh mẽ nhất, với 5 giác quan :

Thị giác



Đồ chơi treo kích thích thị giác của bé tập trung

Ở giường nơi bé nằm nên chuẩn bị những loại đồ chơi trẻ em từ 0 – 3 tháng tuổi treo lơ lửng trong giường bé, xung quanh giường bé nên dán những bức tranh phong cảnh, với những sắc thái thực sự phong phú, kệ sách và giá quanh tường bày biện những món đồ chơi đầy màu sắc tươi sáng hay những khối đồ chơi xếp hình, lắp ráp, hình khối,… cũng đều làm kích thích khả năng quan sát của bé.



Bao bọc bé trong không gian đầy sắc thái phong phú và đa dạng

Đối với những bé dưới 1 tuổi, nhất là bé mới sinh thì hệ thần kinh thị giác chưa phát triển hoàn chỉnh nên bé chưa phân biệt được các loại màu sắc đỏ, xanh, cam, vàng,… vì thế các mẹ nên tập cho bé khả năng tập trung cao độ bằng việc cho bé nhìn 3 phút mỗi ngày hình kẻ caro đen trắng. Cứ đều đặn như vậy thì khả năng tập trung của bé sẽ tăng lên đến 60 – 90 giây đấy, khi bé rèn luyện được sự tập trung thì bạn đã giúp bé xây dựng được nèn móng vững chắc cho việc học tập, nghiên cứu sau này của bé.



Làm quen với bảng chữ cái từ khi lọt lòng giúp bé hứng thú với chữ hơn

Làm quen với chữ cái từ khi lọt lòng sẽ giúp bé cả thấy hứng thú cho việc học tập sau này vì thế bạn nên dán bảng chữ cái gần giường – chỗ bé dễ dàng quan sát nhất, chữ cái bạn nên lựa chọn loại chữ to, in đỏ, rõ ràng. Thường xuyên cho bé đến gần bảng chữ cái kích thích khả năng quan sát của bé, mỗi ngày 2 đến 3 lần, cứ lặp đi lặp lại như vậy sẽ giúp bé có một thói quen tốt, thích thú với những ô chữ hơn.

Thính giác

Hãy chọn lọc cho bé nghe mỗi lần 15 phút, mỗi ngày khoảng 2 lần những bản nhạc nhẹ nhàng, âm lượng không quá lớn sẽ giúp bé nhận biết được nhịp điệu một cách tốt nhất. Tuy nhiên, không nên để bé nghe băng hay đĩa CD trong thời gian dài, điều này làm bé sẽ bị quen và thích tiếng trong nhạc hơn là đời thực bên ngoài và bé sẽ ít có cơ hội biểu hiện cảm xúc với tiếng nói thực của mẹ đẻ.



Đồ chơi âm nhạc cũng làm tăng khả năng thính giác của bé
Ngoài việc cho bé nghe đài, CD các mẹ cũng có thể lựa chọn cho con những loại đồ chơi âm nhạc phát ra tiếng như xúc xắc, gấu bông hát, đàn bấm, còi thổi,… vừa chơi vừa rèn luyện cho bé cũng không phải ý kiến tồi đâu.



Việc nắm bắt nhịp điệu làm cho bé có thể phân tách được từng loại âm thanh một cách nhạy bén nhất. Mẹ nên dành thời gian chơi với con, khi con nghe nhạc nên để con đứng trên đầu gối mình, tay giữ nách để bé tập tênh trên đầu gối theo điệu nhạc mà bé đang nghe, tạo cho bé sự thích thú không bị nhàm chán.

Nhạc cũng là một cách hay để bé phát triển thính giác nhưng quan trọng vẫn là việc giao tiếp của mọi người xung quanh với bé khi mới lọt lòng, mẹ nên nói chuyện với con nhiều hơn để tăng tính tương tác với bé. Những câu đơn giản trong những hoàn cảnh đơn giản đôi khi lại giúp bé nhiều hơn trong quá trình phát triển của mình, khi mẹ cho con bú, tắm cho bé hay thậm chí thay tã cho con hãy nói với con những câu nói nhẹ nhàng như tâm sự “ con ah, mẹ thay tã lót cho con nhé, mẹ gội đầu cho con để con đẹp trai hơn nhé,…” Vô vàn những cơ hội mẹ có thể giao tiếp cho bé, vừa để bé phát triển thính giác vừa dạy bé những điều nhỏ nhỏ ban đầu.

Xúc giác


Từ khi lọt lòng, mặc dù chưa nói được nhưng bé đã bắt đầu ghi nhớ những điều mắt thấy tau nghe, hình thành nên những nếp tư duy sơ khai trong não bộ rồi. Khi bú sữa, bé bắt đầu được thực hành bài học đầu tiên về xúc giác rồi đấy, bé lần lần tìm ti mẹ, ngậm miệng vào ti và mút sữa rất chuyên nghiệp và bé tiến bộ từng ngày. Lúc đầu bé còn có những bỡ ngỡ khi thì dập mũi khi thì dập cằm mới tìm được ti mẹ nhưng bé tự điều chỉnh rất nhanh.

Mẹ cũng nên tạo những hành động khác để bé có những phản xạ nhanh nhạy hơn như cho đầu ti chạm vào những vị trí khác như hàm trên, dưới, má phải, má trái, cằm. Không chỉ vậy, mẹ còn có thể dùng ngón tay hoặc ống hút cọ nhẹ hàm trên, dưới để bé phân biệt được khi liếm cắt những vật này khác với ti như thế nào nhé.


Bú sữa mẹ là bài học xúc giác đầu tiên của bé

Vị giác


Thấm 1 ít nước nguội có các vị ngọt, mặn, chua vào chiếc khăn xô, cho bé nếm từng vị một để bé có những cảm nhận ban đầu về các vị, kích hoạt vị giác tốt lắm đấy các mẹ.

Lực nắm



Đồ chơi màu sắc sặc sỡ kích thích bé cầm nắm tốt hơn

Hãy chuẩn bị cho bé những loại đồ chơi có kích thước vừa phải, màu sắc sặc sỡ, đủ màu sẽ kích thích bé cầm nắm mà không biết chán đấy. Tuy nhiên, việc bé còn nhỏ nên bị dị ứng với đồ chơi khi bé cầm, ngậm là việc bố mẹ nên lưu ý, nên lựa chọn cho con những loại đồ chơi chính hãng, an toàn của những thương hiệu lớn nổi tiếng, tránh mua phải những loại hàng trôi nổi ngoài chợ không rõ nguồn gốc – ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé.

Ngoài ra, mẹ có thể cho bé cầm nắm ngón tay của mẹ, bé sẽ rất nhanh nhẹn khi mẹ dạy con để con nắm vật chắc chắn hơn. Khi còn nhỏ, bé có khả năng cầm nắm rất tốt nhưng khả năng này lại biến mất khá nhanh nên bạn phải luyện tập cho bé thường xuyên ngay từ khi bé chào đời nhé.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu ý khi luyện tập cho con cầm nắm thì phải luôn theo sát con để tránh những đồ vật rơi, quệt vào bé làm bé bị thương lại trở thành tai nạn.

Khứu giác


Ngửi hương thơm của hoa cũng là một cách để kích thích khứu giác của bé, cố gắng cho bé ngửi thật nhiều loại mùi khác nhau thì khứu giác của bé sẽ phát triển tốt.

Mong rằng những kinh nghiệm đã được những bà mẹ Nhật áp dụng thành công sẽ giúp cho các mẹ có những kế hoạch giáo dục con cái hợp lý để bé phát triển ngay từ khi còn nhỏ.


Sưu tầm

Cách dạy con của người Nhật để trẻ hơn 4 tuổi sáng tạo




Gia đình hoàng tử Nhật Bản áp dụng phương pháp giáo dục con thông minh từ nhỏ

Câu trả lời của người Nhật cho việc dạy bé từ sau 4 tuổi sáng tạo có khó không là không, hoàn toàn không khó một chút nào cả. Tư tưởng của hầu hết các bà mẹ cho rằng khi trẻ bắt đầu bước vào tiểu học thì mới cần phát triển sự sáng tạo được người Nhật cho rằng hoàn toàn sai lầm. Khi ở trong môi trường học tập, sức sáng tạo của trẻ sẽ bị gò bó rất nhiều khi phải tuân theo các nội quy trường lớp và nghe theo lời dạy của các thầy cô. Việc hòa nhập với tập thể và tham gia vào các hoạt động chung cho nhiều người cũng làm ảnh hưởng và kìm nén tính sáng tạo của trẻ. Vì phải tập trung cho những môn học trên lớp, hoàn thành đủ bài tập được giao khi đi học hoặc làm theo hướng dẫn của thầy cô mà có thể làm biến mất hẳn sự sáng tạo của mỗi đứa trẻ. Vì vậy, nếu như trước khi đi học, mà bố mẹ không hướng đến cho trẻ khả năng tự suy nghĩ và phát triển sự say mê, sáng tạo với một điều gì mà chúng yêu thích thì không nên trông mong gì sau này con của họ sẽ trở thành một người giỏi giang, thành đạt mà chỉ như là một người bình phàm mà thôi.



Nên cho trẻ 4 tuổi chơi nhiều đồ chơi thông minh cùng với đọc sách cho trẻ

Theo cách dạy con của người Nhật, để đạt được mục tiêu dạy những đứa trẻ sau 4 tuổi thông minh chính là “ Dạy con thành những đứa trẻ sáng tạo”. Dạy con kiểu Nhật chính là không lơ là con vì sẽ chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhớ chứ không sáng tạo. Và họ thực hiện theo những phương pháp sau:
Khi trẻ hỏi bất cứ một điều gì, dù có biết câu trả lời hay không, bố mẹ cũng phải nghiêm túc lắng nghe và cùng trẻ nghĩ ra cách trả lời. Đó chính là dạy trẻ phương pháp tự biết tìm lời giải.

Trẻ 4 tuổi trở lên nên được giải đố thường xuyên và bố mẹ nên đặt nhiều câu đố thông minh cho trẻ để bé suy nghĩ trả lời.

Yêu cầu trẻ tập trung khi làm bất cứ công việc nào và chỉ khi tập trung, mải mê làm việc óc sáng tạo của trẻ mới được phát huy tốt nhất.
Chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ 4 tuổi trở lên và có tính trí tuệ cao, phát triển trí thông minh cùng với sức tưởng tượng phong phú. Đó nên là đồ chơi thông minh , đồ chơi xếp hình, đồ chơi lắp ghép,.. không nên chọn đồ chơi đơn giản bắt mắt mà có ít kiểu chơi.

Không nên để trẻ có những phút giây quá rảnh
 rỗi, không có việc gì làm. Hãy nghĩ ra công việc nhẹ cho trẻ làm hoặc một trò chơi bổ ích cùng bố mẹ, bạn bè để gắn kết với bé nhiều hơn.

Tạo cơ hội cho trẻ mở mang tầm mắt, được trải nghiệm những công việc đòi hỏi sáng tạo nhiều ví dụ như những việc sáng tạo nghệ thuật, sáng tác thơ, bài hát ,vẽ tranh…

Để có thể suy nghĩ sáng tạo, cần nhất vẫn là có tri thức, từ đó mới có thể suy nghĩ mà sáng tạo. Hãy luôn dạy thêm nhiều kiến thức, về nhiều mặt trong cuộc sống cho trẻ, tìm sách phù hợp với tuổi của trẻ, có thể là sách khoa học hoặc sách giáo dục.

Dạy trẻ thể hiện cảm xúc của bản thân, nói lên cảm nghĩ, tâm trạng của mình. Trẻ ở tuổi này rất ngây thơ và còn chưa tự tin thể hiện bản thân, nên tạo môi trường sống vui vẻ, nhiều tiếng cười để trẻ thoải mái cảm nhận sự yêu thương của bố mẹ và phát biểu suy nghĩ của bản thân.

Coi trẻ là một thành viên thực sự trong gia đình và phân công cho trẻ những việc nhà nhẹ nhàng mà trẻ làm được cùng với các thành viên khác để trẻ hiểu được giá trị của bản thân mình.

Hãy cho trẻ tự có quyền quyết định những điều cơ bản thuộc về bản thân mình như ăn uống, mặc đồ, thích đi chơi ở đâu để tránh làm trẻ thụ động, và độc lập hơn trong việc thể hiện cá tính và cái tôi.

Tìm một việc theo kiểu thể nghiệm “performance” ( tự một mình giải quyết hoàn thành một công việc) cho trẻ thực hiện từ A đến Z mà không cần sự trợ giúp hay hướng dẫn của bố mẹ. Đó có thể là một công việc đơn giản xong dần dần tăng độ khó để trẻ hiểu có ý chí vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Đừng làm trẻ sợ sự thất bại, thất bại chính là mẹ thành công và nhiều vĩ nhân, nhà khoa học, nhà phát minh vĩ đại cũng đều thành công từ sự thất bại nên đừng trách mắng, áp đặt trẻ khiến cho trẻ sợ hãi. Hãy tìm ra những điểm sai và khuyến khích trẻ không lặp lại vào lần sau.

Khi trẻ làm một việc gì lần đầu tiên, hãy để cho trẻ được trải nghiệm một cách vui vẻ, không quan trọng thành tích. Việc bắt ép trẻ càng làm trẻ rụt rè, không tự tin khi gặp lại nó vào lần 2, lần 3.


Sưu tầm